Tiểu sử Olof_Palme

Palme sinh tại khu Östermalm, thành phố Stockholm, Thụy Điển, trong một gia đình thuộc giai cấp thượng lưu, bảo thủ. Cha gốc người Hà Lan còn mẹ, Freiin von Knieriem, gốc người vùng Baltic. Dù thuộc giai cấp thượng lưu, nhưng khuynh hướng chính trị của ông lại chịu ảnh hưởng của lý tưởng Dân chủ Xã hội. Ông đã du hành sang các nước thuộc Thế giới thứ ba, cũng như sang Hoa Kỳ – nơi ông nhìn thấy sự bất bình đẳng kinh tế sâu xa và Sự phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ, do đó đã giúp ông xác định quan điểm chính trị của mình.

Được cấp một học bổng, ông sang Hoa Kỳ học ở trường Kenyon College, Ohio trong năm 1947–1948, tốt nghiệp bằng B.A. trong thời gian chưa đầy 1 năm.[2] Được gợi hứng từ việc tranh luận triệt để trong cộng đồng sinh viên, ông đã viết một bài khảo luận phê bình quyển The Road to Serfdom của Friedrich Hayek. Palme cũng viết một luận văn vinh danh Liên hiệp Công nhân Ô tô Hoa Kỳ AFL, thời đó do Walter Reuther lãnh đạo. Sau khi tốt nghiệp, ông du hành khắp nước Mỹ và cuối cùng tới Detroit, nơi người hùng Reuther của ông đồng ý cho ông phỏng vấn trong nhiều giờ. Trong các năm sau, trong nhiều cuộc thăm viếng Hoa Kỳ, Palme thường nhận xét rằng nước Mỹ đã làm cho mình trở thành một người theo chủ nghĩa xã hội.[3]

Sau khi du hành khắp nước Mỹ bằng cách đứng bên vệ đường giơ ngón tay xin quá giang, ông trở về Thụy Điển để học luật tại trường Đại học Stockholm. Trong thời gian này, Palme tham gia các hoạt động chính trị của sinh viên trong hội Liên hiệp sinh viên quốc gia Thụy Điển. Năm 1951, ông trở thành hội viên Hiệp hội sinh viên Dân chủ Xã hội ở Stockholm, tuy nhiên có sự xác nhận là ông không tham dự các cuộc họp chính trị của họ trong thời gian này. Năm sau, ông được bầu làm chủ tịch Hội Liên hiệp sinh viên quốc gia Thụy Điển.

Palme cho rằng mình trở thành người theo chủ nghĩa xã hội là do 3 nguồn ảnh hưởng chính sau đây:

  • Năm 1947, ông tham dự cuộc tranh luận về thuế má giữa nhà Dân chủ Xã hội Ernst Wigforss, nhà bảo thủ Jarl Hjalmarson và nhà tự do Elon Andersson;
  • Thời gian cư trú ở Hoa Kỳ trong thập niên 1940 làm cho ông nhận thức rõ sự phân chia giai cấp ở đây quá lớn và việc kỳ thị chủng tộc (đối với người da đen) quá nhiều; và
  • Một chuyến đi sang châu Á năm 1953 đã mở mắt cho ông thấy rõ các hậu quả của chủ nghĩa thực dânchủ nghĩa đế quốc.